Con đường chẳng mấy ai đi
Phụ lục
“Con đường chẳng mấy ai đi” là cuốn sách nổi tiếng của tác giả – nhà tâm lý học người Mỹ Scott Peck. Thoạt nhìn qua cái tên, ta dễ hình dung đây là một cuốn sách về nghĩ giàu làm giàu hay đại loại là tạo động lực, khơi dậy đam mê, khát vọng kiếm tiền dành cho những ai muốn thay đổi cuộc sống vật chất của mình. Tiền bạc của cải dư dả có lẽ cũng là điều mà cơ số người ao ước, và tất nhiên không phải ai cũng có thể đạt tới đỉnh cao. Con đường ấy rất chông gai, không dành cho số ít và thậm chí đôi khi bạn phải đánh đổi, hi sinh để giành lấy.
Tuy nhiên, khác hẳn với hình dung ban đầu, khi lần dở từng trang sách, tác giả lại đưa ta đến một con đường khác. Ở hành trình này tất thảy chúng ta đều phải tự bước đi trên chính đôi chân của mình để đạt được độ chín, sự trưởng thành về mặt tâm hồn. Nếu con đường ban đầu mình nghĩ chỉ gói gọn trong sự đầy đủ về vật chất thì con đường tác giả mở ra cho bạn đọc chính là sự đầy đủ, hạnh phúc, viên mãn về mặt tâm hồn, cái mà phải chăng vật chất khó có thể nào mua được?
Từ bỏ và Tái sinh – Hành trình tôi luyện trái tim minh triết và biết yêu thương sâu sắc
Xuất phát điểm là một nhà tâm lý học trị liệu, trong suốt thời gian làm việc của mình, ông tiếp xúc với vô vàn bệnh nhân, dù hoàn cảnh, nghề nghiệp, tính cách, vị thế xã hội khác nhau nhưng điểm chung họ đều là những người có tâm bệnh. Những ảnh hưởng tiêu cực, nỗi đau tâm lý, những nỗi niềm không thể lý giải cùng ai đã làm cho cuộc sống của họ trở nên bế tắc về mặt tinh thần. Sợi dây kết nối lỏng lẻo, không tìm thấy sự gắn bó xã hội hay thậm chí họ không thể nhận ra vấn đề hay nhận ra thì cũng không dám đối diện, thoát khỏi vùng an toàn của mình. Từ dẫn chứng là những case điều trị điển hình trong quá trình làm nghề của tác giả, từ những vấn đề tâm lý đơn giản đến phức tạp, chúng ta có lẽ cũng ít nhiều thấy bóng dáng mình ở trong đó. Bạn đọc tìm được sự đồng cảm, sau đó là sự rộng mở, khai phá bức tường tư duy cũ của mình để bước tiếp trên hành trình khám phá sự vô hạn của bản thân và trưởng thành về mặt tinh thần.
Tác giả nói rằng: “Những quyết định tốt nhất luôn đến từ những người sẵn sàng suy nghĩ thấu đáo, và chịu đựng khó khăn của quá trình đó nhiều nhất – họ biết nhưng vẫn kiên quyết làm. Thước đo chính xác cho sự cao quý hoặc vĩ đại của một người chính là khả năng chịu đựng”. Hay nói cách khác, trên hành trình trưởng thành con người phải biết từ bỏ và tái sinh. Từ bỏ đi những định kiến vì “Nếu chỉ dùng sự định kiến để nhìn đời thì mọi sự kiện đều sẽ trở thành bản sao của những điều đã biết. Do đó, để có thể trân trọng sự độc đáo của bất kỳ sự kiện nào, tôi phải ý thức đầy đủ để dung hòa những thiên kiến và cảm xúc chủ quan của mình đủ lâu nhằm chào đón những tri kiến mới lạ vào thế giới tri giác của mình. Dung hòa, bổ khuyết hoặc kìm nén đều đòi hỏi nơi tôi khả năng thấu hiểu nội tâm mình một cách tinh tế và trung thực một cách can đảm”. Đọc đến đây mình nghĩ rằng, những điều tác giả nói ra đều có lý, tuy nhiên để làm được thật không dễ phải không nào?! Vì thế nên đó mới chính là ‘ Con đường chẳng mấy ai đi”. Cũng giống như việc, chúng ta thật dễ dàng để nói yêu thương một ai đó nhưng để chứng minh được điều đó thì lại cần cả một chặng đường dài vậy.
Bạn nên chủ động hay bị động trong tình yêu?
Bước sang Chương 2 của cuốn sách, đó chính là chủ đề mà tác giả đùa rằng “mọi nỗ lực tìm hiểu đều chỉ là trẻ con đối với sự bí ẩn của nó” – TÌNH YÊU. Với mình, đây là một chương rất thú vị, đáng để suy ngẫm. Bởi dường như, tác giả đang đi ngược lại quan điểm thông thường, phá băng những “lầm tưởng” về tình yêu thường thấy. Và mặc dù đi qua Chương 1, thấu hiểu về từ bỏ và tái sinh, đã chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng rộng lòng để đón nhận những quan niệm mới nhưng mình vẫn không khỏi “ngỡ ngàng” và trầm trồ bởi một quan niệm không chỉ mới mà còn rất táo bạo, có phần thách thức hiểu biết cố hữu của người đọc.
Scott Peck cho rằng: “Tình yêu là ý chí mở rộng lòng mình để rèn luyện sự trưởng thành tinh thần cho chính mình hoặc cho người khác”.
Như vậy, tình yêu ở đây không đơn thuần là cảm xúc, là sự bị động kiểu “fall in love” mà nó xuất phát từ sự chủ động, có ý thức của chủ thể. Mục đích của tình yêu không nằm ở sự lãng mạn, thăng hoa khi chìm ngập trong cảm giác được yêu hay đau khổ khi bị thất tình, phụ bạc mà mục đích của nó chính là sự tôi luyện cho mỗi người để có một tâm hồn vững chãi, sâu sắc. Tình yêu chỉ là một hợp phần trong hành trình trưởng thành chứ không phải là tất cả. Đến đây, mình nghĩ là một số người với quan niệm “sống chết vì tình yêu”, “chết vì tình” có thể giật mình, cảm thấy bị đả kích với cái nhìn khác lạ này. Tuy nhiên, quan niệm này cũng đáng để chúng ta suy ngẫm phải không nào? Ta thử lý giải vì sao nhiều người từng thề thốt rằng “Không có anh em không sống nổi” hay “em là tất cả của đời anh” vật vã, đau đớn khi chia tay thì một thời gian sau lại thấy họ thong dongdạo bộ quanh công viên tươi cười rạng rỡ, hồi sinh cùng những niềm vui mới?
Phải lòng phải chăng là ngộ nhận của con người khi nói về tình yêu?
Một quan niệm nữa của tác cũng khiến ta không khỏi “bực mình” và tủm tỉm cười. Đó chính là tác giả cho rằng “ Ngộ nhận phổ biến nhất chính là ngộ nhận rằng cảm xúc phải lòng chính là tình yêu hoặc là chỉ dấu của tình yêu”. Kì cục hơn, nhà tâm lý này còn nghi ngờ đứng sau hiện tượng đó là một phần bản năng di truyền, là một “vết nứt để thúc đẩy hành vi giao phối. “Hay nói theo cách trần trụi hơn, phải lòng có thể chỉ là một mánh khóe mà bộ gene của chúng ta tác động lên tâm trí để dẫn dụ chúng ta tiến đến hôn nhân và sinh con đẻ cái mà thôi”.
Thú thật thì, mình từng cho rằng Phải lòng là một cảm xúc cực kỳ đẹp, là kiểu cảm xúc thương nhớ, hồn nhiên thuở ban đầu đọng lại khiến không ít người phải xuýt xoa, vấn vương, là khởi nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, hội họa… cho đến lúc này. Bạn biết đấy, trong vô vàn người mà chúng ta gặp, có một vài người bạn yêu quý, rất ít trong số đó bạn có khả năng phải lòng họ để đi đến một mối quan hệ lãng mạn, yêu đương. Có ai yêu nhau mà không phải lòng chứ? Phải chăng, tác giả là một người kì thị tình yêu hay là kẻ khô khan, bài trừ sự lãng mạn. Tuy nhiên, lật lại quan niệm ban đầu của tác giả về tình yêu ở trên: : “Tình yêu là ý chí mở rộng lòng mình để rèn luyện sự trưởng thành tinh thần cho chính mình hoặc cho người khác”, ta cũng không thể phủ nhận sự có lý trong lập luận và dẫn chứng thực tế của Scott Peck.
Vậy nên, nếu bạn lòng đã sẵn sàng một tâm hồn rộng mở bằng cách đóng lại những thiên kiến cũ, cho mình một cơ hội thực hiện khao khát đến với những tri kiến mới mẻ, thậm chí nó có thể thách thức lại với quan niệm thông thường của không chỉ bản thân bạn, mà còn là cả số đông của bạn thì đừng ngần ngại lần dở những trang tiếp theo nhé.
Dám tự bước đi, tự chịu trách nhiệm và hành động để gặt hái “phước lành, may mắn”
Ở những phần tiếp theo, tác giả sẽ chia sẻ giúp chúng ta hiểu thêm về Ranh giới bản ngã, vượt qua sự lệ thuộc, dám tự bước đi, chịu trách nhiệm, cả sự màu nhiệm của tình yêu. Sự trưởng thành và tôn giáo hay Phước lành sẽ được trình bày ở hai chương còn lại Chương 3 và 4. Ở hai phần này thay vì diễn giải, tác giả sẽ chia sẻ với chúng ta về những case trị liệu tâm lý điển hình, cũng giúp cho những ai muốn tìm hiểu về tâm lý trị liệu có thể đọc sâu hơn về các trường hợp này.
“Con đường chẳng mấy ai đi” không còn nghi ngờ gì nữa là hành trình gian nan, chỉ dành cho những ai dám dũng cảm đối diện, thấu hiểu và dám bứt phá ra khỏi vòng an toàn nhưng tẻ nhạt của chính mình để đến với sự trưởng thành về mặt tinh thần, có một nội tâm thấu hiểu, mạnh mẽ lẫn tinh tế để sống một cuộc đời – đáng – giá.