Một đời thương thuyết
Bí quyết đàm phán thành công từ “Một đời thương thuyết” – Phan Văn Trường
Giới thiệu về cuốn sách – Cuộc hành trình của một bậc thầy thương thuyết
“Một đời thương thuyết” là cuốn tự truyện chứa đựng những bài học quý giá về nghệ thuật giao tiếp, chiến lược thương thuyết và sự thấu hiểu con người được đút rút từ hành trình làm nghề bền bỉ, đầy biến động của nhà đàm phán tài ba – Giáo sư Phan Văn Trường. Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tác giả mang đến cho bạn đọc những cách thức hữu hiệu để giành được thỏa thuận tốt nhất mà không biến thương thuyết thành một cuộc chiến.

Tại sao nên đọc “Một đời thương thuyết”?
Điều gì khiến “Một đời thương thuyết“ trở thành cuốn sách mà bất kỳ ai – dù là doanh nhân, nhà lãnh đạo hay một người bình thường – cũng nên đọc? Để tìm ra câu trả lời, chúng ta hãy cùng nhìn lại một số quan điểm đổi mới và tư duy “thấu tình đạt lý” trong “một đời” làm nghề của tác giả nhé:
Thương thuyết không phải là thắng thua, mà là cùng thắng
Một trong những nguyên tắc cốt lõi mà Giáo sư Phan Văn Trường nhấn mạnh ở đây, chính là: Thương thuyết không phải là để đánh bại đối phương. Mục đích của thương thuyết là cùng nhau tìm ra giải pháp hai bên cùng có lợi. Như tác giả đã nhấn mạnh: “Thương thuyết không phải là chuyện thắng hay thua, mà là cùng nhau xây dựng tương lai”. ..Một cuộc đàm phán không phải là sân khấu để thể hiện sự vượt trội, mà là nơi để thấu hiểu và hợp tác.”
Mình thiết nghĩ rằng nguyên tắc win- win này không chỉ nên áp dụng trong công việc mà trong cuộc sống thường ngày cũng vậy. Thành công không đến từ việc “giành phần hơn“, mà từ khả năng xây dựng mối quan hệ hòa hảo, tôn trọng.
Lắng nghe nhiều hơn, nói ít hơn – Nghệ thuật để thuyết phục người khác
“Người biết lắng nghe là người biết chinh phục.”
Nhiều người nghĩ rằng đàm phán là thể hiện sự sắc sảo, thuyết phục người khác theo ý mình. Nhưng thực tế, người chiến thắng là người biết lắng nghe đúng lúc, đặt câu hỏi đúng chỗ để đối phương cảm thấy họ được tôn trọng và thấu hiểu.
Giáo sư nhấn mạnh rằng trong đàm phán, việc lắng nghe không chỉ là nghe từ ngữ mà còn phải lắng nghe cảm xúc, thái độ và ý nghĩa ẩn sâu trong từng lời nói. Hiểu một cách đơn giản, lắng nghe chính là lắng lòng mình lại, gạt cái tôi cá nhân sang một bên, từ từ đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của đối phương để thấu hiểu tâm tư, tình cảm, cái được và cái khó của họ, từ đó tạo dựng lòng tin và xây dựng nền tảng hợp tác lâu dài.
Kiên nhẫn là chìa khóa mở mọi cánh cửa thành công
Thời gian là một yếu tố quan trọng và người biết kiên nhẫn thường là người nắm quyền kiểm soát. Thực tế cho thấy, không ít lần, sự vội vàng nhượng bộ đã khiến các nhà đàm phán mất đi lợi thế và cơ hội tốt nhất. Theo giáo sư, kiên nhẫn không phải là chờ đợi thụ động, mà là biết giữ vững lập trường và tạo điều kiện để đối phương suy ngẫm.
“Đừng bao giờ để sự nôn nóng làm lu mờ phán đoán của bạn. Một chút kiên nhẫn có thể biến bại thành thắng.”
Kiểm soát cảm xúc – Chìa khóa thành công trong đàm phán
Một trong những sai lầm lớn nhất trong đàm phán là để cảm xúc lấn át lý trí. Giữ bình tĩnh, không phản ứng vội vàng và hiểu tâm lý đối phương sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Nhà thương thuyết cần hiểu rằng cảm xúc trong đàm phán không phải là điều đáng sợ, mà là một yếu tố giúp thấu hiểu con người. Kiểm soát và định hướng cảm xúc một cách khéo léo, đúng đắn sẽ giúp bạn điều hướng được tình hình, trong một vài tình huống lại có thể lật ngược được thế cờ, chuyển bại thành thắng. Thật bất ngờ, phải không nào?
Ứng dụng nghệ thuật thương thuyết vào cuộc sống
Điều thú vị là những nguyên tắc thương thuyết không chỉ áp dụng trong kinh doanh, mà còn trong cả cuộc sống hằng ngày. Từ việc đàm phán mức lương, thương lượng với đối tác đến việc giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè, tất cả đều cần đến sự tinh tế, kiên nhẫn, lắng nghe kết hợp một chút khéo léo. Khi hiểu rằng thương thuyết không chỉ là một kỹ năng mà còn là nghệ thuật của sự kết nối, ắt hẳn bạn sẽ biết cách biến mọi cuộc đối thoại thành cơ hội để tạo dựng mối quan hệ sâu sắc, gắn bó.
Một đời thương thuyết không chỉ mang đến những chiến lược đàm phán sắc bén mà còn giúp người đọc thay đổi tư duy về giao tiếp và xây dựng mối quan hệ. Đây là cuốn sách đáng đọc cho bất kỳ ai muốn trở thành một nhà thương thuyết giỏi hơn, không chỉ trong công việc mà còn trong cả cuộc sống.
Một đời thương thuyết Phan Văn Trường
"Một cuộc đàm phán không phải là sân khấu để thể hiện sự vượt trội, mà là nơi để thấu hiểu và hợp tác.""