Tư duy ngược
Phụ lục
Khao khát thành công, có một cuộc sống phồn thịnh là mục tiêu mà đại đa số những người bình thường như chúng ta đều hướng đến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng số người thành công bao giờ cũng chỉ chiếm một lượng nhỏ trong xã hội. Vì sao phần lớn chúng ta mỗi người đều trải qua 24 tiếng mỗi ngày, hít thở chung một bầu không khí, đều có một cơ thể lành lặn và trí lực để tiếp thu những điều mới nhưng sự thành bại trong cuộc đời lại không giống nhau? Nội lực nnào làm nên sự khác biệt cá nhân khiến cho “phần tiểu số” ấy trở nên mạnh mẽ, minh triết hơn?
Thế nào là Tư duy ngược?
Đi tìm lời giải này, tác giả Phan Anh Dũng đã cho ra đời cuốn sách “Tư duy ngược”. Cuốn sách là kết quả của quá trình anh nhận thức, tìm hiểu và khám phá thế giới nội tại, thế giới xung quanh mình. Một quan điểm mới thông thường dễ gây được sự chú ý nhưng không có nghĩa là nó nhận được sự đồng tình. Vậy một quan điểm mới, trái chiều liệu có nhận được sự ủng hộ của mọi người? Trong trường hợp này, mình tin là tác giả đã làm được điều đó.
“ Bí quyết của thành công không nằm ở đâu xa, nó nằm ngay trong bộ não, trái tim của chúng ta, hay nói cách khác “Tâm của chúng ta ở đâu, thành công ở đó”.”
Quan điểm của anh mang hơi hướng của tâm lý học nhận thức khi cho rằng chính suy nghĩ, nhận thức sẽ quyết định đến hành vi của mỗi người. Nếu như những khuôn mẫu, khuôn phép được tạo ra nhằm duy trì một trật tự xã hội ổn định thì bên cạnh đó vô hình trung cũng đẩy con người vào lối tư duy theo kiểu lối mòn, cứng nhắc. Theo đó, bản sắc cá nhân, sự sáng tạo không được xem trọng đúng mức. Dẫu biết rằng suy nghĩ cố hữu cản trở đến quá trình phát triển hay sự thành công của chúng ta nhưng bức tường ấy đã xây quá lâu, trường tồn trong một thời gian dài và trở nên kiên cố hơn bao giờ hết. Thật khó để ta thoát khỏi vùng an toàn đó. Vậy nên, việc đầu tiên ta phải thay đổi chính là xuất phát từ bên trong ta, từ suy nghĩ của ta.
Tư duy ngược – Lối đi riêng của những người không muốn thành công bị …”trì hoãn”
Với “Tư duy ngược”, tác giả giúp chúng ta nhìn nhận và lật lại vấn đề của chính mình để xem xét chúng dưới lăng kính đa chiều. “May mắn có phải bỗng dưng mà có”, “Bạn đang dốc hết sức hay đơn giản là chỉ cố hết sức”, “Nghĩ khác đi, kết quả tốt hơn”,… Một loạt câu hỏi được đạt ra và sau đó dùng lối Tư duy ngược kèm theo những dẫn chứng từ các câu chuyện có thật để bạn đọc có thể hình dung và thức tỉnh nhất.
Sự thức tỉnh từ trong nhận thức suy nghĩ này khiến mình liên tưởng đến khoảnh khắc vui mừng khôn xiết của nhà toán học Ác – si – mét khi tìm ra lời giải đáp cho yêu cầu của Quốc Vương. Ông đã không cầm mình mà thốt lên rằng “nổi tiếng” Ơ – rê – ca (Tìm thấy rồi) và cứ thế vô thức chạy đi khắp nơi. Một cậu chuyện vừa thực tế, cũng rất thú vị, hài hước. Có lẽ niềm vui “tìm thấy rồi”quá lớn nên nhà khoa học đã quên mất mình đang trong trạng thái không được hợp lý lắm để đi ra ngoài ^^.
“ Khi đứng ở một vị trí khác, ta có cơ hội sống thêm một cuộc đời và có sự so sánh chân thật hơn. Trước một sự việc, ta không vội vàng đi tìm giải pháp. Quan sát thật kĩ, lắng nghe lòng mình đâu mới là nguyên nhân sâu xa cốt lõi. ”
Trong một trận đấu từ quy mô nhỏ là bản thân, rộng ra là môi trường học tập, công việc, các mối quan hệ xã hội, “biết mình biết ta”, tỷ lệ thành công ắt hẳn chiếm ưu thế. Chỉ khi hiểu rõ bản thân, nhận diện được mình là ai, có ưu điểm gì, có nỗi sợ gì, khát khao mong mỏi ra sao, ta mới nên tiếp bước sau: Đặt ra mục tiêu, dám khác biệt, dám đột phá, tạo đòn bẩy cho những cú lội ngược dòng “vạn người mê” trong tương lai thật gần.
Không phải ngẫu nhiên, người ta thường nói rằng “Người thành công luôn có lối đi riêng”. Vậy nên, hãy cứ rộng mở trường tư duy, nhận thức để chắt lọc, có một nội tâm minh triết, mạnh mẽ, sống một cuộc đời mà mình mong muốn bạn nhé.