Đảo mộng mơ
“Đảo mộng mơ” khiến người đọc bật cười trước sự ngây thơ đáng yêu của cậu bé Tin, nhưng sau đó lại có thể lặng người suy ngẫm khi nhận ra chính mình cũng đã từng có những giấc mơ tương tự, chỉ là chúng đã bị “thực tế” che khuất mà thôi. Có thể nói, tác giả Nguyễn Nhật Ánh luôn biết cách chạm đến trái tim độc giả, đặc biệt là qua những tác phẩm viết về tuổi thơ. Sự giản dị, dí dỏm trong câu chuyện của những cô cậu học trò nhỏ, dậy lên cho chúng ta những rung cảm đẹp, từ đó, biết yêu thương và trân trọng tuổi thơ hơn.
“Đảo Mộng Mơ – chuyến phiêu lưu ngọt ngào trong thế giới tuổi thơ“
Trong truyện ngắn “Đảo mộng mơ”, cậu bé Tin với trí tưởng tượng phong phú đã ” hô biến” bãi cát trong vườn trở thành một hòn đảo diệu kỳ, đầy màu sắc. Ở đó, cậu chính là “chúa đảo”, bạn cậu – bé Bảy trở thành “Phó chúa đảo” và Thắm – cô bạn thân cùng lớp – được “bổ nhiệm” làm “chúa đảo phu nhân”. Trò chơi đóng vai của những đứa trẻ đưa ta về những tháng ngày vô tư, khi niềm vui đơn giản chỉ là nằm vắt vẻo đôi chân dưới tán cây và từng chút từng chút một mơ màng thả hồn mình lạc vào một thế giới ta hằng mong.
Người lớn và những mộng mơ
Giấc mơ của cậu bé Tin về hòn đảo kỳ diệu không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà còn là biểu tượng của sự tự do, sáng tạo và niềm vui vô tận. Điều này khác hẳn với cái nhìn của người lớn như mẹ và chị, cũng như hàng xóm của em, cho rằng đó chỉ là “chuyện trẻ con”, không thực tế và lãng phí thời gian. Câu chuyện đặt ra một câu hỏi rằng khi trưởng thành, liệu chúng ta có đang đánh mất đi khả năng mơ mộng? Càng trưởng thành, chúng ta lại trở nên “khô khan”, cuốn vào vòng xoáy của công việc, bộn bề cuộc sống mà dần quên đi cách tận hưởng những niềm vui giản đơn, quên đi mình cũng là từng một đứa trẻ, từng nhìn thế giới bằng đôi mắt nở rộ, hăng say khám phá thế giới kỳ diệu nằm trong những điều nhỏ bé?
“Đảo mộng mơ” không chỉ là một câu chuyện về giấc mơ con trẻ mà còn là tấm gương phản chiếu sự tương phản giữa thế giới của trẻ nhỏ và người lớn. Cái hay của tác giả Nguyễn Nhật Ánh là không chỉ viết truyện, ông còn mở ra một cánh cửa để chúng ta quay về với chính mình của những ngày xưa cũ. Từ đó, khéo léo gửi tới ta thông điệp: trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ, chỉ là chúng ta đã vô tình lãng quên nó mà thôi. Mơ mộng không phải là đặc quyền của trẻ con. Mà đôi khi, việc sống chậm lại, tìm về với miền ký ức tuổi thơ hay tưởng tượng về một “hòn đảo” riêng cho mình cũng là cách hữu hiệu để chữa lành cho tâm hồn.